Trẻ Con Nó Biết Gì Đâu? - Chương 3
12
Chủ xe Cayenne xem lại video giám sát và đoạn quay cảnh cháy nổ.
Chứng cứ rõ ràng như ban ngày, chú thím có chối cũng vô ích.
Trước mặt nhà tôi, chú hống hách bao nhiêu, thì khi đối diện với chủ xe Cayenne, lại khúm núm bấy nhiêu.
“Hiểu lầm thôi, tất cả là hiểu lầm!”
“Trẻ con nghịch dại, chơi pháo không cẩn thận làm cháy xe. Anh xem bảo hiểm có chi trả được không?”
Chủ xe Cayenne quay sang nhìn chằm chằm thằng em họ.
“Đây là con trai ông bà?”
“Dạy con kiểu gì mà nó dám nhét pháo dưới gầm xe người khác? Hôm nay dám đốt xe, mai không chừng còn phóng hỏa giết người!”
Nếu tôi nhớ không lầm, đây là lần đầu tiên trong đời thằng nhóc bị mắng thẳng mặt.
Nó sững sờ, run lẩy bẩy, túm chặt tay áo thím.
Thím ôm nó vào lòng, nhăn nhó biện hộ: “Ôi dào, trẻ con biết cái gì đâu? Nó không cố ý mà! Anh chị mau nói giúp đi! Ai bảo anh chị nhường bãi đậu xe, làm hại người ta!”
Ba mẹ tôi trước giờ luôn thích hòa khí, gặp chuyện thường chọn cách dĩ hòa vi quý.
Nhưng sau vụ này, họ hoàn toàn nhìn thấu bộ mặt thật của chú thím, lạnh lùng đứng ngoài quan sát.
Tôi bình thản đáp: “Ôi, thím nói gì lạ vậy? Cháu có ý hại ai bao giờ đâu? Em con ném pháo vào xe cháu suốt, từ Giao thừa đến tận hôm nay, ít nhất cũng phải bảy tám lần. Nhưng chú đã bảo đảm rằng nó sẽ không tái phạm. Cháu tin chú là người giữ lời, nên mới nhường bãi đậu cho người khác thôi.”
Tôi còn chưa nói hết câu, thím tá hỏa, la ầm lên để cắt ngang lời tôi.
“Làm gì mà bảy tám lần? Chỉ có vài lần thôi! Cậu đừng nghe nó nói linh tinh! Dạ Bảo ban đầu chỉ định đốt xe chị nó, chứ đâu có định đốt xe của anh—”
Chủ xe Cayenne trợn tròn mắt, cắt ngang lời thím.
“Ồ, hóa ra là tái phạm nhiều lần à?! Được lắm, hôm nay không ai rời khỏi đây được đâu! Không chỉ gọi bảo hiểm, tôi còn báo cảnh sát! Trẻ con không chịu trách nhiệm hình sự, nhưng bố mẹ nuôi dạy con kiểu này, tôi sẽ kiện hai người vì cố ý phá hoại tài sản!”
13
“Không không không không!”
Chú thím đột nhiên hóa thành loa phát thanh, một giọng cao, một giọng thấp, đồng ca năn nỉ.
“Xin anh đừng báo công an! Tôi chắc chắn sẽ dạy dỗ lại thằng bé!”
“Dạ Bảo, mau đến xin lỗi chú đi con!”
Cả hai cúi đầu cười xu nịnh, khúm núm nhận sai.
Thím kéo thằng em họ đến trước mặt chủ xe Cayenne, giục nó xin lỗi.
Mặt nó đỏ bừng, đột nhiên hất mạnh tay thím ra!
Rồi như một quả pháo bắn thẳng vào chủ xe Cayenne, đâm mạnh vào sườn anh ta.
Chưa dừng lại, nó dùng hết sức đẩy một cái, khiến anh ta lảo đảo suýt ngã.
Thằng nhóc gào lên the thé: “Ông vu oan tôi! Tôi đánh chết ông! Mẹ tôi bảo rồi, ai vu oan tôi đều phải chết!”
Nó vừa hét vừa đá túi bụi vào chân chủ xe Cayenne.
Thím tái mặt, vội bế nó lên.
Chủ xe lúc vào khu chung cư còn phong độ bao nhiêu, giờ tả tơi bấy nhiêu: Quần tây dính đầy dấu chân, tóc tai rối bù, mặt tái xanh vì sốc.
Anh lùi lại mấy bước, giận dữ rút điện thoại ra gọi ngay.
Thím biết không thể vãn hồi được nữa, môi run lên bần bật, bắt đầu đổi thái độ, trách mắng thằng em họ.
“Dạ Bảo! Sao con dám đánh người hả? Mẹ dạy con như vậy sao?”
Thằng nhóc ưỡn ngực, thẳng lưng đáp ngay: “Mẹ bảo ai vu oan con đều phải chết! Hắn vu oan con, hắn là đồ khốn, con phải đánh chết hắn!”
Thím nuông chiều nó bao nhiêu năm, giờ bị chính con mình phản đòn.
Tôi không nhịn được, bật cười lạnh.
Bảo vệ và nhân viên tòa nhà đứng hóng cũng phải bịt miệng cười thầm.
Thằng nhóc này nghịch ngợm quá đáng, giờ tự đâm vào bố mẹ nó, đúng là quả báo nhãn tiền.
Chú tôi vốn sĩ diện, giờ thì đỏ mặt đến tận mang tai.
Thím mặc kệ thể diện, ôm con dỗ dành: “Không được đánh người! Lần này con sai rồi, mau xin lỗi chú đi! Nói con không cố ý, xin chú tha thứ cho con đi nào!”
14
Thằng nhóc đứng hình, ngơ ngác nhìn thím.
Rồi đột ngột thoát khỏi vòng tay bà ta, cúi xuống tháo giày.
Bốp!
Một chiếc giày bay thẳng vào mặt thím!
“Mẹ cũng vu oan con! Mẹ cũng là đồ khốn! Đánh chết mẹ! Đánh chết mẹ!”
Thím chóng mặt, loạng choạng, quỳ sụp xuống đất.
Thằng nhóc lại cởi nốt chiếc giày còn lại, đè đầu thím xuống, dùng hết sức đập liên tục vào thái dương bà ta!
Cảnh tượng mất kiểm soát hoàn toàn.
Mọi người tá hỏa lao vào kéo nó ra.
Tôi rút phắt chiếc giày trên tay nó.
Chú thì tức điên, tát thẳng vào mặt nó một cái bốp vang trời!
Thằng nhóc bật ngửa ra đất như chiếc lá rụng giữa cơn gió mạnh.
“Đồ oắt con mất dạy! Dám đánh cả mẹ mày hả?”
Chú nổi trận lôi đình, chắn trước mặt thím, tóm tóc thằng nhóc xách bổng lên.
Rồi dùng bàn tay to bè, tát liên tiếp vào mặt nó.
Mỗi cái tát đều nặng tay, chỉ vài nhát đã khiến mặt nó sưng vù.
Thằng nhóc vừa khóc vừa la hét, nhưng bị chú túm chặt, không thể chạy thoát.
Trong lúc gào khóc, nó bị đánh mạnh vào hàm, răng sữa văng ra mấy chiếc, miệng đầy máu.
Thím ôm đầu đứng dậy, nhìn con bị đánh, vừa xót vừa tức, nhưng chỉ quay mặt đi, không nói gì.
Chú trút hết giận dữ vào thằng nhóc, gầm lên: “Cho mày chừa tội đánh mẹ mày! Cho mày chừa tội nổ xe! Xe không quen thì không nhận ra, nhưng biển số mày cũng không đọc nổi sao? Đồ ngu!”
Chú đánh đến tê tay, quẳng thằng nhóc sang một bên.
Nó khóc lặng giọng, nhưng chẳng ai quan tâm nữa.
Cuối cùng, chủ xe Cayenne quát lớn, chấm dứt màn hỗn loạn: “Bảo hiểm và cảnh sát sắp đến rồi! Đợi họ xác nhận nguyên nhân. Tội ai người đó chịu!”
15
Mẹ tôi không rành về bảo hiểm xe, quay sang hỏi tôi: “Phân biệt tai nạn với phá hoại thì khác nhau thế nào?”
Tôi giải thích: “Nếu là tai nạn, bảo hiểm sẽ đền toàn bộ. Nhưng nếu bị xác định là cố ý phá hoại, bảo hiểm chỉ đền rất ít, phần lớn chủ xe phải tự đòi bồi thường từ người gây ra. Nếu nghiêm trọng, có thể bị kiện.”
Mẹ tôi à một tiếng: “Có camera giám sát, con cũng có thể làm chứng là xe thường xuyên bị phá. Vậy chắc chắn sẽ bị quy vào phá hoại rồi nhỉ?”
Tôi gật đầu.
Chợt thấy chú tôi dỏng tai lên nghe, rồi quay ngoắt sang phía tôi.
Chú vỗ tay chắp lại, kéo cả nhà tôi sang một bên, cười gượng gạo.
“Anh chị à, mình nói chuyện riêng chút nào! Chúng ta là người một nhà, giờ có người ngoài can thiệp, mình phải cùng hội cùng thuyền, đúng không?”
Bộ dạng chú thê thảm: mặt lấm lem, tay dính máu của thằng nhóc.
Thật lòng mà nói, tôi ngứa mắt chú từ lâu, chỉ muốn đấm cho một trận.
Nhưng vụ này quá lớn, chính tôi là người chủ động nhường bãi đỗ xe.
Lỡ chú thím bám lấy điểm này không buông, tôi cũng khó tránh rắc rối.
Nhìn tinh thần họ hoảng loạn thế này, tôi không chắc họ sẽ làm gì.
Tôi còn đang cân nhắc thì ba tôi giành luôn vai cà khịa.
Ba tôi cười khẩy: “Ai là người một nhà với chú? Gần gũi với đám nghèo hèn như tụi tôi, rồi lại bị hút máu đó!”
Mặt chú tái xanh, nhưng cố gắng tỏ vẻ bình tĩnh: “Ha ha… Vợ tôi lỡ miệng, chứ tôi không có ý đó. Giờ tình hình đặc biệt, Bình Bình à, cho chú xin tí thể diện, nói là em trai con vô tình gây ra đi. Như vậy bảo hiểm sẽ bồi thường đủ, đỡ phiền cho cả nhà mình. Chứ nếu bắt bọn chú trả, chẳng phải lại phải đi mượn nhà con à? Phiền phức lắm!”
16
Mẹ tôi trợn mắt, hừ lạnh một tiếng: “Cứ đến mà vay, còn lâu tôi mới cho!”
Ba mẹ tôi phối hợp ăn ý, chặn họng chú ngay lập tức.
Tôi ngưỡng mộ không thôi.
Người ta nói chó cùng cắn càn, nhưng thỏ cùng cũng biết cắn đấy!
Tôi không ngờ ba mẹ mình cũng có lúc đanh thép như vậy.
Chú đứng ngẩn ra, tái mặt, còn thím thì chạy đến bên cạnh.
Bà ta thê thảm hơn chú nhiều.
Lớp trang điểm trôi sạch, tóc xõa tung rối bù.
Bà ta bỏ bộ mặt kênh kiệu thường ngày, quay sang trách móc chồng.
“Anh đúng là vụng về, nhờ vả người ta mà chẳng biết mở lời! Chỉ nói suông thì ai mà giúp!”
Thím móc điện thoại ra, mở ứng dụng ngân hàng.
Tôi liếc sang thằng em họ.
Nó hoảng loạn đến nỗi nằm bẹp dưới sàn nôn thốc nôn tháo, ói hết cả bữa trưa.
Bình thường, chỉ cần nó khóc, cả nhà sẽ quay quanh dỗ dành.
Nhưng hôm nay, chẳng ai thèm để ý.
Nó không biết làm gì, càng khóc to hơn.
Tôi thầm nghĩ, không biết trong lòng nó có tự hỏi: “Giữa nó và tiền, cha mẹ quan tâm cái nào hơn?”
Thím vừa kiểm tra số dư, vừa nhìn tôi, giọng điệu dịu hẳn đi.
“Bình Bình, lúc nãy thím nói hơi quá lời. Thím xin lỗi cả nhà. Thím còn 100 triệu trong tài khoản, chuyển hết cho con, coi như giúp con mua xe mới. Chỉ cần con giúp em con nói vài câu, cứu thím một lần này thôi! Làm ơn nhé!”
Tôi hiểu rồi.
Thím thấy chủ xe Cayenne không dễ đối phó, nên chuyển mục tiêu sang tôi.
Tôi nhìn màn hình điện thoại, bật cười: “Thím tính toán sai rồi, trong này chỉ có 50 triệu thôi. Xe của con dù là xe cũ, cũng không rẻ đến mức đó đâu!”
Thím kinh ngạc quay đầu, trừng mắt nhìn chú.
Chú rụt cổ lại, lúng búng: “Hôm qua… anh đi tiếp khách với sếp Triệu, uống hơi nhiều…”
Thím từng cười nhạo nhà tôi nghèo, giờ đến lượt mình lúng túng vì không đủ tiền.
Bà ta cắn răng, bất chợt giật mạnh cổ tay chú, gỡ đồng hồ vàng ra.
“Thiếu thì lấy cái này bù! Đồng hồ này giữ giá lắm!”
Chú không dám phản kháng, lầm bầm: “Đồng hồ này còn chưa trả hết góp mà…”
Thím cứng rắn nhét vào tay tôi, nhưng ba tôi kiên quyết từ chối.
“Đừng nói nữa! Có nói gì cũng vô ích! Chuyện này cứ để bảo hiểm quyết định, ai phải đền thì phải đền!”
Chú nghe vậy thì hoảng lên, giật tay ba tôi, suýt quỳ xuống.
Ba tôi vội đỡ dậy, nhưng chú vẫn rên rỉ cầu xin.
“Anh! Anh là anh ruột em mà!”
“Anh thử nghĩ mà xem, từ trước đến giờ em đã bao giờ nhờ anh chưa? Lần này chỉ xin anh giúp một lần này thôi, sao anh lại nhẫn tâm vậy? Anh từng cầu xin em chuyện gì, em đều giúp hết mà!”
Ba tôi hít sâu, trong mắt hiện lên nhiều cảm xúc phức tạp.