Nhất Chu Tuyết - Chương 8
10
Ở một góc độ nào đó, người mà ta cảm thấy thân thiết nhất trong nhà chính là con gái ruột của cha mẹ nuôi – Dĩ Nhu tỷ tỷ.
Nàng rất giống mẹ nuôi, nhưng là phiên bản trẻ trung hơn. Mỗi khi nhìn nàng, ta lại nhớ về quãng thời gian hạnh phúc khi còn ở bên cha mẹ nuôi.
Vậy nên, ta rất thích gần gũi nàng.
Cả hai đều hiểu chuyện – ta và Dĩ Nhu tỷ tỷ, một người là con ruột, một người là nữ nhi họ đã nuôi nấng suốt mười sáu năm – bọn họ không muốn giữa chúng ta nảy sinh hiềm khích.
Chỉ là, ta luôn cảm thấy tỷ ấy đối xử với ta rất cẩn trọng, dường như mang nặng cảm giác tội lỗi, nghĩ rằng mình đã cướp đi những ngày tháng tốt đẹp đáng lẽ thuộc về ta.
Vì vậy, ta chủ động kể cho tỷ ấy nghe chuyện khi còn nhỏ, nói rằng ta đã từng rất hạnh phúc, đã nhận được tất cả tình yêu thương từ cha mẹ nuôi.
Thế nên, tỷ ấy không cần phải áy náy.
Ngược lại, ta mới là người nên tự trách. Nếu không có cha tỷ ấy bảo vệ, có lẽ ta cũng đã mất mạng. Mà nếu không có ta, có lẽ người cũng sẽ không qua đời.
11
Dĩ Nhu tỷ tỷ rất thông minh, dạy cho ta rất nhiều điều. Ta thật sự khâm phục tỷ ấy, không ngờ lại lợi hại như vậy. Còn ta, ngoài mấy chữ cha dạy thuở nhỏ, thì chỉ biết giặt quần áo và làm việc chân tay.
Dù ta học rất chăm chỉ, nhưng so với tỷ ấy vẫn còn kém xa.
Mẹ nói, muốn để chúng ta “mỗi người trở về vị trí của mình”. Ta liền hỏi: “Vậy tỷ tỷ có buồn không?”
Mẹ cười, xoa đầu ta: “A Nhu là một cô gái thông minh, con cứ yên tâm.”
12
Nhưng, một lần nữa mọi chuyện lại không diễn ra như chúng ta dự tính.
Hoàng đế đột nhiên ban hôn, khiến cả phủ rối loạn. Khi cha mẹ còn đang lo lắng vì thánh chỉ này, Dĩ Nhu tỷ tỷ lại chủ động đứng ra nhận lấy hôn sự.
Tỷ ấy còn đưa ra rất nhiều lý lẽ thuyết phục. Ta cảm thấy tỷ nói đúng. Hơn nữa, Hoàng đế ban hôn, gả cho vương gia chẳng phải là chuyện tốt hay sao? Tại sao mọi người lại không vui?
Mãi đến khi ta hỏi nha hoàn mà mẹ phân cho mình, ta mới hiểu người vương gia kia là ai.
Lúc đó, ta chợt hiểu vì sao cha mẹ lại tranh cãi – bởi vì, có thể sẽ có người phải chet.
Đây vốn là hôn sự dành cho ta, làm sao có thể để tỷ tỷ thay thế? Như vậy là không công bằng với tỷ ấy!
Nhưng Dĩ Nhu tỷ tỷ lại nói, ta không biết quy củ, nếu lỡ làm phật ý vương gia, cả nhà cũng sẽ gặp họa.
13
Mẹ đã bàn bạc trước với ta về chuyện của hồi môn. Bà nói sẽ cho Dĩ Nhu tỷ tỷ nhiều hơn một chút, đến khi ta xuất giá, có lẽ sẽ không được nhiều như vậy.
Ta hoàn toàn hiểu và chấp nhận, dù sao tỷ ấy cũng là vì ta mới phải gả đi, ta nên biết đủ.
“Con nghĩ vậy thì mẹ yên tâm rồi.”
Còn về chuyện gia phả, cha mẹ cũng dần dần giải thích rõ ràng cho ta. Không phải họ không muốn ghi tên ta vào, mà là bây giờ không thể nữa.
Với ta, được sống cùng họ đã là điều tuyệt vời nhất. Dù chỉ là con nuôi, ta cũng không bận tâm, chỉ cần họ biết ta là con ruột của họ là đủ rồi.
Sự cho đi và nhận lại phải tương xứng. Ta không thể không làm gì mà vẫn có danh phận tốt đẹp.
Vậy nên, dù cho Dĩ Nhu tỷ tỷ có nhiều hơn, ta cũng không để bụng.
14
Hôm Dĩ Nhu tỷ tỷ về thăm nhà, ta không gặp vương gia, chỉ thấy mẹ liên tục hỏi tỷ ấy về tình hình trong vương phủ, lo lắng tỷ sống không tốt. Nhưng khi nghe tỷ ấy kể về cuộc sống của mình, lòng ta lại thấy nhẹ nhõm được nhiều phần.
Chỉ là, sau khi tỷ rời đi, mẹ khẽ thở dài: “A Nhu từ nhỏ đã luôn báo tin vui, không báo tin buồn.”
May mà trong phủ, tỷ ấy làm chủ, ta và mẹ có thể thường xuyên đến thăm. Nghe nói vương gia hiếm khi ở nhà.
Trước đây ta luôn nghĩ phu thê phải giống như cha mẹ ta, ngày nào cũng quấn quýt bên nhau. Không ngờ lại có kiểu quan hệ như tỷ tỷ và vương gia – tôn trọng nhưng xa cách.
Sống như vậy chẳng phải rất khó chịu sao?
Cho đến một ngày, ta đến thăm tỷ và vô tình gặp vương gia.
Chỉ một ánh nhìn thôi, ta đã hiểu vì sao tỷ lại thấy quan hệ như vậy là tốt.
Vương gia không có ba đầu sáu tay như lời đồn, nhưng cả người toát ra khí thế sát phạt. À không, phải nói là uy nghiêm đến mức ta cảm giác khó thở.
Tỷ tỷ thật đáng thương!
Tất cả là vì ta. Ta nói điều đó với tỷ, nhưng tỷ lại mỉm cười an ủi rằng tỷ sống rất tốt.
Làm sao có thể chứ?
Cùng giường chung gối với một người như vậy, ta sợ đến nửa đêm hắn sẽ rút đ//ao ch//ém tỷ mất thôi!
15
Không lâu sau, cha mẹ nói đã tìm được một mối hôn sự phù hợp cho ta.
Đối phương là học trò của cha, không lâu trước vừa thi đỗ tiến sĩ, gia cảnh cũng khá giả. Chàng hơn ta hai tuổi, phẩm hạnh tốt, sống ngay thẳng, chỉ vì thủ hiếu mà lỡ mất thời gian lập gia đình.
Hiện tại chàng đã không còn cha mẹ, trong kinh thành mua một căn nhà nhỏ, tộc nhân đều ở quê, ta lấy chàng thì sẽ rất thanh nhàn.
“Nó thông minh, sẽ đối xử tốt với con.” Cha ta nói.
Ta nghĩ rất lâu mới hiểu ý người: “đối xử tốt” nghĩa là chàng đủ lanh lợi để biết rằng dù ta chỉ là con nuôi của phủ Ninh Quốc, chàng cũng không dám bạc đãi ta.
Còn mẹ, bà kiên nhẫn phân tích từng chi tiết cho ta nghe.
Nói đơn giản, ta xem như “gả thấp” một chút, nhưng sau khi thành thân, chàng sẽ nể mặt phủ Ninh Quốc mà không dám đối xử tệ với ta, thậm chí còn cưng chiều ta.
Nghe có vẻ tốt hơn nhiều so với tỷ tỷ.
Dù đã học quy củ hơn hai năm, nhưng ta vốn không phải tiểu thư khuê các lớn lên trong kinh thành. Nếu gả vào một gia tộc quá cao sang, quy củ chắc chắn sẽ vô cùng nghiêm ngặt.
Vậy nên, ta đồng ý.
Cha mẹ vẫn sắp xếp cho ta và Từ Hằng gặp mặt trước.
Sau khi gặp, ta càng cảm thấy đây là một hôn sự tốt.
Từ Hằng có dáng vẻ thư sinh, nét mặt hiền hòa, trông rất dễ gần. Quan trọng nhất là chàng vừa gầy vừa yếu, nhìn qua là biết không thể đ//ánh nhau.
16
Mẹ đích thân chuẩn bị đồ cưới cho ta, cho ta rất nhiều ngân phiếu.
“Con và A Nhu không giống nhau. Con bé gả vào hoàng gia, của hồi môn không chỉ phải nhiều mà còn phải chú trọng thể diện. Còn con gả thấp hơn một chút, nhiều thứ không tiện chuẩn bị, nên mẹ đã đổi thành ngân phiếu cho con.”
Ngân phiếu thật tốt, ta rất thích. Hơn nữa, ta cũng không giống tỷ tỷ, có những thứ ta chẳng hiểu nổi cũng không dùng đến.
Tỷ tỷ còn tặng ta thêm nhiều đồ, toàn là thứ tốt.
Cuộc sống sau khi thành thân cũng rất thoải mái. Ta và Từ Hằng hòa hợp, quả nhiên gả thấp có lợi hơn. Không giống như cha mẹ, ngay cả lúc ăn cơm cũng khó mà yên ổn, làm gì cũng có người bàn ra tán vào.
Giờ trong nhà chỉ có hai chúng ta làm chủ, hạ nhân cũng mong chúng ta sống tốt.
Mỗi lần tan triều, Từ Hằng đều mang đồ ăn ngon về cho ta, có thời gian rảnh còn đưa ta ra ngoài dạo chơi.
Bảo sao cha nói chàng lanh lợi, không hề cổ hủ.
17
Sau khi thành thân hơn một năm, ta có thai. Ta vô cùng mong chờ đứa trẻ này.
Mẹ và tỷ tỷ cũng đến thăm, mang theo không ít đồ.
Từ Hằng biết tin thì nói: “Phu quân này sắp được nương tử nuôi rồi.”
“Thế chàng không vui sao?”
“Đương nhiên là vui rồi.”
Chỉ là ta chợt nhớ đến những quy tắc đã học, khi chính thê mang thai, thường sẽ “khai diện” cho nha hoàn bên cạnh.
Nhưng ta không muốn.
Ta chỉ muốn chàng là của riêng ta. Nhưng ta biết suy nghĩ này là không đúng.
Ngay cả mẹ lần trước đến thăm cũng bóng gió nhắc nhở ta.
Ta không hiểu, vì sao sinh hoạt thường ngày của dân thường lại khác với nhà quyền quý? Là vì nhà quyền quý có tiền nên có thể nuôi được nhiều thiếp thất sao?
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ta vẫn quyết định tìm cơ hội đề cập chuyện này.
Không ngờ Từ Hằng còn phản ứng dữ dội hơn cả ta: “Ta đâu phải hạng háo sắc đói khát, lẽ nào không có nữ nhân thì không sống nổi sao?”
“Nhưng ai cũng làm vậy mà.” Ta cũng không vui.
“Vậy cứ coi như ta sợ nương tử của ta đi.” Chàng nhéo má ta rồi nói.
Chàng vốn là người rất thoáng, chuyện “sợ vợ” cũng chẳng phải lần đầu chàng nhắc đến. Ngược lại, chàng còn thường sửa lại suy nghĩ của ta, bảo rằng “con người sống trên đời, biết đủ thì vui, đừng để ý người khác nói gì.”
Chàng thực sự là người biết đủ mà vui.
Năm nay tổ mẫu tổ chức đại thọ, cả nhà ai cũng về, ngay cả Lệ Vương cũng nể mặt đến dự.
Lúc đó ta lo Từ Hằng sẽ cảm thấy không thoải mái, dù sao, mấy người tỷ phu khác đều là quan to chức lớn, chỉ có chàng là một tiểu quan.
Nhưng khi ta quay đầu lại, ta lại thấy chàng đứng trước mặt Lệ Vương, huyên thuyên nói gì đó.
Lệ Vương mặt không chút biểu cảm.
Ta lo đến mức tim muốn rớt ra ngoài.
Sợ Lệ Vương vung tay một cái đ//ánh chet chàng mất.
Dựa vào dáng vẻ thư sinh gầy yếu của chàng, Lệ Vương chắc chắn có thể đ//ánh chet mười người như chàng.
Sau khi trở về, ta nói với chàng. Chàng lại vô cùng đắc ý phản bác: “Cùng lắm chỉ đ//ánh chet năm người thôi.”
Đây là chuyện đáng để tự hào sao?!