Bố Mẹ Của Tôi - Chương 3
Mẹ tôi mặt lạnh tanh: “Có chuyện gì thì nói thẳng.”
Trương Diễm Lệ bị chặn họng nhưng vẫn không giận, cười tủm tỉm: “Là thế này, năm đó vợ chồng tôi điều kiện không tốt, không đủ sức nuôi hai đứa trẻ, làm phiền anh chị lâu như vậy. Nhưng thật ra trong lòng chúng tôi vẫn luôn nhớ con. Bây giờ điều kiện khá hơn, chúng tôi muốn đón con về, để anh chị đỡ vất vả.”
Đây là thời gian tan tầm, hàng xóm đi qua đi lại ngày càng đông. Có người còn ló đầu khỏi hành lang hóng chuyện, chẳng mấy chốc, dưới nhà đã đứng đầy người.
Ai nấy đều ngạc nhiên, rõ ràng không ngờ lại có một vở kịch “tranh giành con” đầy kịch tính thế này.
Mẹ tôi bật cười vì tức giận.
Bà lấy ra tờ cam kết năm đó, từng chữ từng câu rõ ràng, gằn giọng: “Giấy trắng mực đen viết rõ ràng, các người không muốn con, chúng tôi đưa 3.000 tệ nhận nuôi. Đã thỏa thuận sẽ không ai nhắc lại chuyện này nữa. Giờ sao? Muốn thay đổi hả?”
Trương Diễm Lệ sững sờ.
Có lẽ bà ta đã quên mất vụ cam kết năm xưa, liền huých nhẹ Khương Đại Minh.
Khương Đại Minh lập tức đổi sang bộ mặt “người cha đáng thương”, cố nặn ra một nụ cười gượng gạo: “Cái gì mà muốn hay không muốn, con cái là ruột thịt, làm gì có chuyện không cần? Hồi đó chúng tôi thật sự không đủ khả năng nuôi, nhưng bao năm nay vẫn luôn nhớ con bé… chị Ngô à, dù sao con cái vẫn nên ở với ba mẹ ruột thì tốt hơn.”
Ông ta vừa nói mấy câu, lập tức biến mình thành một người cha khốn khổ, vì cuộc sống bức bách mà phải rời xa con, nhưng trong lòng vẫn đau đáu nhớ mong.
Tôi thấy mấy hàng xóm bắt đầu dao động, ánh mắt có chút do dự.
Tôi đi từ sau lưng mẹ bước ra, bình tĩnh hỏi Khương Đại Minh: “Nếu thực sự nhớ con, vậy tại sao suốt từng ấy năm chưa từng đến thăm tôi, cũng chưa từng chu cấp một đồng nào?”
Câu nói này vừa thốt ra, cả dãy nhà lập tức bừng tỉnh.
Bác Vương – người lúc nào cũng ghen tị với thành tích của tôi, nhưng ra ngoài thì luôn bênh vực tôi, lập tức lớn giọng: “Ối trời, bảo là nhớ con mà lớn từng này tuổi chưa từng thăm, chưa từng cho lấy một xu! Đây chẳng phải thấy con bé giỏi giang, nên muốn chạy đến nhận vơ à?”
Một bác gái khác liếc xéo Trương Diễm Lệ, giọng đầy khinh thường: “Nghe nói con gái bà học kém nhất lớp, sao mà có thể cùng Nam Nam là chị em ruột được? Chẳng biết hai người này nói thật hay bịa nữa!”
Người khác cũng phụ họa: “Đúng đó, làm gì có cha mẹ nào bỏ con thông minh mà giữ lại đứa dốt? Chuyện này đúng là buồn cười thật!”
Trương Diễm Lệ mặt lúc đỏ lúc trắng, chưa kịp phản bác thì bà nội Khương Ngọc lên tiếng.
Bà ta gầy gò, gò má nhô cao, mím môi trông chẳng khác nào mấy bà mẹ mìn trên TV, nhìn thoáng qua đã thấy không đáng tin.
Bà ta run rẩy lấy ra một cái khăn tay, mở ra bên trong là một xấp tiền, rồi đẩy về phía mẹ tôi: “Tiểu Ngô, chúng ta không hề muốn chiếm lợi từ cô. Năm đó cô đưa 3.000 tệ, bây giờ chúng tôi trả lại đủ 3.000. Đứa trẻ chắc chắn cũng muốn theo cha mẹ ruột, cô không thể cứ giữ con tôi như vậy được!”
Mẹ tôi tức giận đến trắng bệch cả mặt, giơ cái vá đảo thức ăn định nói gì đó thì tôi đã lên tiếng trước.
Tôi nhìn thẳng vào bà nội Khương Ngọc, bình tĩnh nói: “Bà tính toán như vậy là không đúng. Chín năm trước, 3.000 tệ có thể mua cả một căn nhà. Bây giờ số tiền ấy thì mua được gì? Hơn nữa, mấy năm nay ba mẹ tôi đã tốn bao nhiêu tiền để nuôi tôi, bà có tính đến không? Tôi cũng không muốn theo các người. Đừng giả vờ giả vịt nữa. Tôi nghe nói các người vứt bỏ tôi chỉ vì muốn sinh con trai. Bây giờ không sinh được, nên mới quay lại đòi tôi về, đúng không?”
Mẹ tôi đứng sau lưng, sững sờ nhìn tôi.
Có lẽ bà không ngờ một đứa trẻ mới học lớp ba lại có thể nói ra những lời này.
Bác Vương chua ngoa thường ngày vẫn hay ghen tị với tôi, nhưng lúc này lại lớn giọng mắng: “Còn định lừa ai nữa hả? Một đứa trẻ cũng nhìn thấu mưu đồ của mấy người. Đã vứt con đi rồi, giờ lại muốn nhận lại, đúng là mặt dày!”
Người khác cũng bàn tán xôn xao: “Đúng là vô lý! Trước thì bỏ con gái, chỉ vì muốn có con trai. Giờ sinh không được lại quay sang đòi con về, chuyện tốt đều để nhà mấy người hưởng hết sao?!”
Bà nội Khương Ngọc mặt lúc đỏ lúc trắng, trừng mắt nhìn tôi giận dữ.
Tôi chẳng hề sợ hãi, thậm chí còn giơ tờ giấy cam kết ra trước mặt bà ta: “Bà nhìn cái gì mà nhìn? Nếu còn tiếp tục như vậy, ba mẹ tôi sẽ kiện các người ra tòa!”
Khương Đại Minh nổi giận, lao lên định giáng cho tôi một bạt tai.
Nhưng ba tôi nhanh hơn, một tay ấn ông ta xuống, ghì chặt không cho nhúc nhích.
Ba tôi mở quán cơm, ngày nào cũng khuấy chảo gang, trên tay có bao nhiêu sức thì ai cũng rõ.
Khương Đại Minh bị bóp cổ tay đến mức không thể cử động, mặt tái mét vì đau.
Ba tôi nheo mắt, trầm giọng: “Các người có phải nghĩ nhà tôi dễ bắt nạt không? Giấy trắng mực đen còn đây, nếu các người cứ quấy rối nữa, ngày mai tôi sẽ nộp đơn kiện. Tôi muốn xem thử, đến lúc đó ông còn giữ nổi công việc không!”
Trương Diễm Lệ hoảng sợ, vội vàng la lên: “Buông ra! Ông định đánh người à?! Có ai đánh người kìa!”
Bà ta trừng mắt oán hận nhìn tôi, nghiến răng nói: “Đồ vong ơn bội nghĩa! Tôi mang nặng đẻ đau suốt mười tháng, mà mày lại đối xử với tôi như thế này sao?! Ngô Hiểu Hoa, tôi nói cho bà biết, đứa nhỏ này không phải loại tốt đâu!”
Mẹ tôi cười lạnh, giơ cái vá chỉ thẳng vào bà ta: “Không cần bà lo. Dù thế nào, con tôi vẫn giỏi hơn con gái bà – một đứa lúc nào cũng đội sổ! Cút ngay cho tôi! Lần sau còn đến nữa, tôi đánh một trận đấy!”
Khương Đại Minh đỏ bừng mắt, hậm hực liếc nhìn chúng tôi mấy lần, rồi đỡ bà mẹ sắc mặt xanh mét của hắn rời đi.
Trước khi đi, vài người trong bọn họ còn buông lời chửi rủa khó nghe.
Mẹ tôi chỉ cười lạnh, chẳng buồn đôi co, quay sang cảm ơn hàng xóm đã giúp đỡ. Tối đó, bà còn làm hẳn một nồi chè chia cho mọi người ăn chung, xem như chuyện này chấm dứt.
Nhưng kể từ hôm đó, hai nhà chúng tôi chính thức trở mặt thành thù.
Sau vụ ấy, mỗi lần gặp tôi, Trương Diễm Lệ đều không quên buông một câu chửi rủa: “Đồ vong ơn bội nghĩa, nuôi mày cũng chẳng có ích gì! Biết thế lúc mới sinh tao đã vứt mày xuống bồn cầu cho chết đuối!”
Chưa bao giờ tôi kịp đáp lời, vì lần nào mẹ tôi cũng mắng trả ngay lập tức: “Nuôi cái gì? Bà đã từng nuôi nó ngày nào chưa? Cũng chẳng trách sao ông trời có mắt, không cho loại vô lương tâm như bà có thêm con! Thôi về mà ôm đứa đội sổ nhà bà mà khóc đi!”
Trương Diễm Lệ tức đến dựng ngược lông mày, gân cổ lên gào: “Học giỏi bây giờ thì có ích gì? Lớn lên chưa chắc đậu nổi đại học! Tôi khuyên bà đừng vội mừng quá sớm!”
Mẹ tôi cười nhàn nhã, đáp gọn một câu: “Dù sao cũng tốt hơn loại chưa bao giờ có cơ hội để mà mừng.”
Từ đó, “cuộc chiến gia đình” gần như diễn ra mỗi ngày.
Nghe nói Trương Diễm Lệ bỏ ra hẳn 50 tệ một giờ thuê gia sư cho Khương Ngọc, quyết tâm giúp con gái vượt qua tôi.
Nhiều tối, khi cả nhà tôi đang ăn cơm, dưới lầu lại vang lên tiếng mắng nhiếc của bà ta: “Cùng là con tao sinh ra, sao mày lại kém hơn con nhỏ vong ân bội nghĩa kia?! Biết thế hồi đó tao đem mày đi cho rồi! Mau học bài ngay cho tao!”
Khương Ngọc dần ghi hận trong lòng, nghĩ rằng tất cả là do tôi khiến cô ta bị mẹ mắng.
Từ đó, cô ta liên tục nhằm vào tôi ở trường.
Nhưng có lẽ Khương Ngọc không nhận ra vị trí của tôi trong lớp học.
Một học sinh giỏi, đặc biệt là một học sinh luôn đứng đầu, sẽ luôn được giáo viên thiên vị.
Bạn cùng lớp có thể không thích tôi, nhưng họ vẫn sẽ cần tôi mỗi khi muốn chép bài tập.
Vậy nên, chẳng ai thèm để ý đến Khương Ngọc.
Một hôm, tôi và Khương Ngọc được phân công trực nhật cùng nhau.
Khi chuông tan học vừa vang lên, cô ta lập tức biến mất, bỏ tôi lại một mình trong lớp.
Thật ra công việc trực nhật cũng đơn giản: lau bảng, sắp xếp bàn ghế, quét lớp một chút. Hai người làm thì chỉ mất ít thời gian, nhưng nếu chỉ có một mình, thì mất hơn nửa tiếng.
Tôi suy nghĩ một chút, không nói gì, lẳng lặng làm xong tất cả.
Sáng hôm sau, Khương Ngọc đến lớp, mặt mày hớn hở, lộ rõ vẻ đắc ý.
Cô ta liếc tôi một cái, đeo cặp sách lên vai rồi ngồi xuống chỗ của mình.
Tôi đi đến hỏi thẳng: “Hôm qua chúng ta trực nhật chung, sao cậu lại về trước?”
Khương Ngọc thản nhiên đáp: “À… tớ quên mất. Dù sao cậu cũng làm xong rồi mà, có vấn đề gì đâu?”
Tôi không nói gì nữa, chỉ xoay người đi.
Đến buổi trực nhật tiếp theo, Khương Ngọc lại giở trò cũ, bỏ về sớm.
Lần này, tôi không im lặng nữa, mà đi thẳng đến tìm giáo viên chủ nhiệm.
Chủ nhiệm lớp thấy tôi đến thì hơi ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó đã nở nụ cười niềm nở: “Nam Nam à, sao vậy con?”
Tôi tỏ ra hơi khó xử, nhẹ giọng nói: “Thưa cô, con và Khương Ngọc được phân công trực nhật chung, nhưng bạn ấy luôn về sớm, để con làm một mình. Thực ra con có thể làm được, nhưng dạo này con còn phải ôn thi tiếng Anh, tháng sau con còn tham gia cuộc thi hùng biện nữa…”
Chủ nhiệm lớp lập tức hiểu ra vấn đề.
Bà nghiêm mặt lại, xoa đầu tôi gật đầu nói: “Được rồi, cô đã biết. Con cứ yên tâm về nhà học tập, chuyện trực nhật để cô sắp xếp lại.”
Tôi lễ phép cười: “Cảm ơn cô ạ.”
Ngay hôm đó, chủ nhiệm lớp liền đến nhà Khương Ngọc nói chuyện.
Trương Diễm Lệ vừa thấy giáo viên chủ nhiệm đến nhà, liền sửng sốt, sau đó lập tức vui mừng ra mặt.
Chưa đợi giáo viên mở miệng, bà ta đã phấn khích nói: “Cô Vương, sao cô lại đến đây? Có phải nhà tôi Khương Ngọc cũng là thiên tài, định nhảy lớp đúng không?!”
Bà ta nói to đến mức tôi đứng trên lầu cũng nghe rõ.
Mẹ tôi vội mở cửa ló đầu ra nghe lén.