A Kiều - Chương 4
7
Mạnh Hạc Thư thuê một căn nhà nông thôn.
Đôi tay quen cầm bút kê đơn của hắn, vốn chẳng khéo trong việc đồng áng.
Vì thế cỏ mọc um tùm, đậu thì lưa thưa, đến ngay cả mặt mày Bách Nhi cũng gầy rọp đi.
Bất đắc dĩ, hắn đành quay lại nghề cũ, biến sân trước thành y quán.
Giữa mùa hè, thời tiết thất thường như tâm tính trẻ nhỏ — lúc nắng, lúc mưa.
Khắp sân phơi đầy dược thảo.
Thấy trời chuyển, Mạnh Hạc Thư vội vàng gọi vào trong nhà: “A Kiều, sắp mưa rồi, phải thu thuốc vào.”
Trong nhà trống hoác.
Hắn ngẩn người, rồi bật cười tự giễu: “…Ta quên mất, A Kiều đã không còn ở đây nữa rồi.”
Vội vàng giành thuốc với cơn mưa, hắn lóng ngóng luýnh quýnh, nhưng chợt thấy bên ngoài có một người con gái đang che ô.
“A Kiều?”
Giọng hắn nghẹn lại, mang theo cả tủi thân và hy vọng.
“Mạnh ca ca, là muội.”
Ngọc Gia tới Thanh Châu rồi.
Vì Lục Diệm ở trang ngoài thành nuôi một cô thiếp diễm lệ, hóa ra bấy lâu nay hắn chẳng hề vào kinh, chỉ là ra ngoại thành dỗ người ta mà thôi.
Cả nhà họ Lục giấu nàng như giấu kim, không hé nửa lời.
“Muội sợ lắm… sợ nhà họ Lục sẽ giữ con lại, còn đuổi muội đi.”
Nàng ngẩng đôi mắt đẫm lệ, nhìn hắn: “Muội… có thể ở lại chỗ Mạnh ca ca được không?”
Không biết vì sao, những lời ấy, Mạnh Hạc Thư chẳng nghe lọt nổi.
Hắn chỉ nhìn cơn mưa ngoài kia, lòng tự hỏi — A Kiều ra ngoài có mang theo ô không?
Lần trước nàng đi mua cá, cũng bị kẹt dưới cơn mưa này.
Thế nên, khi hắn đội mưa, ôm ô chạy đến thư viện, hắn thấy ta đang cùng một vị tiên sinh đứng dưới hành lang, cùng che một chiếc ô, tạm biệt nhau.
Vị tiên sinh ấy mỉm cười nói lời cảm tạ: “May mà Kiều nương tử đoán trước trời mưa, mang theo ô, không thì hôm nay ướt như chuột lột rồi.”
“…A Kiều.”
Ta quay đầu, thấy Mạnh Hạc Thư đang đứng giữa sân mưa.
Chiếc ô trong tay như khúc gỗ trôi nước, bị hắn ôm chặt lấy.
“Ngươi đến làm gì?”
Mưa lớn đổ xuống người hắn, dáng vẻ thê thảm mà tội nghiệp, thế nhưng ánh mắt lại rực sáng đầy mong chờ: “…Mưa lớn quá, ta sợ nàng bị ướt.”
Ta lắc đầu: “Từ nay ta sẽ nhớ mang ô. Không cần ngươi mang tới nữa.”
Ánh mắt hắn như bị cơn mưa dập tắt, chỉ trong chớp mắt đã u tối hẳn đi.
Ta thở dài: “Đừng đứng dưới mưa nữa, sẽ sinh bệnh.”
Hắn lại như đứa trẻ được cho kẹo, lập tức mừng rỡ ra mặt: “A Kiều, nàng vẫn còn lo cho ta, đúng không?”
Ta không biết phải đáp thế nào, chỉ quay lưng bước vào màn mưa.
Mạnh Hạc Thư dầm mưa một hồi, thật sự ngã bệnh.
Bách Nhi khóc đến suýt nghẹn, chạy đến cầu xin ta: “Mẹ ơi… mẹ về thăm cha đi…”
Khi ta quay về, liền thấy cô nương Ngọc Gia bụng đã lùm lùm ngồi nơi mép giường, lo lắng đến mức suýt bật khóc.
Mạnh Hạc Thư sốt đến mơ hồ, chỉ khẽ lẩm bẩm: “Xin lỗi…”
Ngọc Gia ngồi cạnh giường, ánh mắt đầy địch ý nhìn ta: “Mạnh ca ca là người tốt như vậy, sao tỷ nỡ để huynh ấy dầm mưa? Nơi này có ta, Mạnh ca ca không cần tỷ đâu.”
Đã có người ở cạnh, hẳn sẽ không chết mà chẳng ai hay.
Ta đặt cháo xuống, xoay người định rời đi.
Mạnh Hạc Thư từ giường gắng gượng bò dậy, từ phía sau siết chặt ta vào lòng. Người hắn nóng hầm hập, nhưng giọt lệ rơi trên cổ ta lại lạnh buốt.
Tay hắn siết chặt lấy ta, nhưng miệng lại là tiếng van xin mềm mỏng: “A Kiều, đừng đi… ở lại với ta có được không… Ta chỉ muốn nàng ở bên ta, ta không cần ai khác… Lúc đầu ta đã đuổi nàng ta đi rồi, nhưng khi ta bệnh quá mơ hồ… nàng ta lại tự ý quay lại…Ta không cần nàng ta, ta chỉ cần A Kiều của ta…”
Ngọc Gia không tin nổi nhìn hắn, nước mắt tuôn lã chã: “Mạnh ca ca… huynh nói gì vậy? Huynh không cần ta nữa sao?”
Mạnh Hạc Thư không liếc lấy một cái.
Bên cạnh, Bách Nhi lên tiếng: “Ngọc Gia di, cha con đã viết thư cho nhà họ Lục rồi, họ nói mai sẽ đến đón người.”
Ngọc Gia bật dậy, khóc lớn: “Ta không về! Ta không muốn về! Nhà họ Lục kia chỉ biết bênh ả tiện nhân đó thôi! “
“Ả ta sẽ cướp đứa con của ta! Cướp luôn Lục lang của ta!”
Nói xong, chính nàng ta cũng chết lặng.
“Nhưng ta với Mạnh ca ca không giống vậy… từ nhỏ đã là thanh mai trúc mã, Mạnh ca ca từng nói sẽ cưới ta…”
“Đó là lời của một đứa trẻ chưa hiểu chuyện, về sau đừng lui tới nữa, cũng đừng gọi ta là Mạnh ca ca.”
Giọng Mạnh Hạc Thư lạnh lẽo như tuyết rơi: “Chẳng lẽ lời nói năm sáu tuổi mà cũng muốn giữ cả đời sao?”
Ngọc Gia đứng đó, khuôn mặt đỏ bừng đầy xấu hổ và bối rối.
Nàng nhìn ta thật lâu, như bỗng nghĩ tới những điều mà nhiều năm qua Mạnh Hạc Thư vẫn canh cánh trong lòng: “Nếu muội và Lục Diệm hòa ly… Mạnh… Hạc Thư, trước kia là muội không nhìn rõ người, không biết huynh tốt thế nào, từ nay về sau chúng ta…”
Mạnh Hạc Thư nhìn nàng đầy lạnh lùng: “Ngọc Gia cô nương, xin tự trọng. Cả đời này, Mạnh Hạc Thư ta chỉ có một người vợ là A Kiều.”
Ngọc Gia mặt đỏ bừng, xấu hổ không nói nổi một lời.
Ngoài trời mưa như trút nước, nàng bật khóc rồi bỏ chạy ra cửa.
Mạnh Hạc Thư vội vàng kéo tay ta: “A Kiều… ta sẽ không để nàng buồn thêm nữa…”
“Đó là chuyện giữa ngươi và nàng ta, không liên quan đến ta.”
Hắn và Ngọc Gia dứt khoát, là để cho cuộc đời mình một lời kết muộn màng.
Hắn là Mạnh Hạc Thư, không thể cả đời làm “Mạnh ca ca” của ai, cũng không thể cả đời làm sự lựa chọn thứ hai.
Hắn bước được bước này, đoạn tuyệt mối tình nghiện ngập như thuốc độc ấy, đó là việc hắn nên làm từ sớm.
Giờ mới làm, không đáng để ta cảm động.
Khi trở về, A Hổ vẫn chưa hiểu chuyện, rón rén kéo áo ta: “Mẹ còn đang giận Mạnh thúc sao?”
Ta ngồi xổm xuống, xoa đầu nó: “Mẹ không giận.”
“Nhưng A Hổ phải nhớ, nếu vì một người mà đau lòng quá nhiều… thì rau xuân sẽ không đợi con, dưa hạ cũng không đợi con, món ngon mà lỡ mùa thì thật đáng tiếc.”
“Dù rằng rau quả còn có thể đợi sang năm, nhưng con người một khi đã lỡ… thì không thể quay đầu.”
A Hổ sợ hãi, rúc vào bên cạnh ta: “Con không muốn làm người vĩnh viễn chẳng ăn nổi đồ ngon…”
8
Từ tiên sinh tới học trò, ai ở Thư Viện Quan Hạc cũng nói — Mạnh đại phu cảnh giác với tất cả những ai lại gần Kiều nương tử.
Hứa Thường trợn trắng mắt, bảo hắn là kiểu người mất của quý rồi thì nhìn ai cũng như kẻ trộm. Huống chi, ai mà lại không thích Kiều nương tử chứ?
Nàng hiền lành, dễ nói chuyện, lại nấu ăn ngon. Ai nợ tiền giặt giũ, vá may, nàng cũng chẳng để bụng.
Thấy Mạnh Hạc Thư nơm nớp lo lắng, ta chỉ thấy buồn cười.
Không phải ai cũng sống đời rối ren như họ, nên mới luôn nhìn người khác thành sự lựa chọn thứ hai.
Kỳ thi nhập học kết thúc, Bách Nhi đắc chí trở về.
Tối đến, A Hổ cúi đầu rũ tai như gà trống bại trận.
Hai đứa đứng ở cửa, rõ ràng A Hổ cao hơn một cái đầu, vậy mà lại khiến người ta thấy thấp hơn Bách Nhi hẳn nửa cái đầu.
Bách Nhi đạt kết quả xuất sắc, kiêu ngạo ngẩng đầu đợi ta khen: “Mẹ! Con đứng nhất đó! Tiên sinh cứ khen con mãi!”
A Hổ sắp khóc đến nơi: “Mẹ, con vô dụng, con thi rớt rồi…”
“Thế trưa nay có ăn cơm đàng hoàng không?”
A Hổ sụt sịt: “…Có… nhưng con buồn quá nên chỉ ăn hai cái đùi gà thôi…”
Ta xoa đầu nó: “Vậy là đủ rồi, mau lau nước mắt rồi vào ăn cơm.”
Bách Nhi sững sờ nhìn ta: “Mẹ bị gì vậy? Con giỏi hơn nó, thông minh hơn, tiên sinh cũng khen con nhiều hơn mà…”
Bách Nhi à, tình thương không phải là thứ để so sánh hay cân đo đong đếm.
Tình thương vốn không thể so sánh, càng không nên bị đem ra so sánh.
Ta biết ta không đẹp bằng cô nương Ngọc Gia, cũng không khéo nịnh bằng nàng ấy.
Bách Nhi, mẹ chưa từng ép con phải nói dối, cũng không cần con miễn cưỡng nói rằng trâm bạc cài trên tóc mẹ đẹp hơn nàng ấy.
Là từ đầu, con đã không nên lấy mẹ ra để so với người khác.
A Hổ tuy không giỏi chữ nghĩa, nhưng tiên sinh bảo nó khỏe mạnh rắn rỏi, có thể theo đường luyện võ.
Ta nghĩ một hồi, thấy cũng tốt.
Sau này nếu làm tiêu cục hộ tống, cũng đủ nuôi thân. Hoặc ra chiến trường mà lập công, cũng có thể đạt được chí hướng đời mình.
Nhưng nếu luyện võ, thì không thể ở lại Thư Viện Quan Hạc, phải chuyển tới Túc Thành.
Ta thu xếp hành lý, mang theo bức thư tiến cử mà viện trưởng Thư Viện Quan Hạc tự tay viết cho ta.
Viện trưởng cười bảo: “Xưa có Mạnh mẫu, nay có Kiều mẫu.”
A Hổ khóc, quỳ xuống dập đầu ba cái vang dội: “Mẹ đã cho con cuộc đời mới. Nếu không có mẹ, A Hổ đã mục nát trong bùn rồi.”
Ngày lên đường, mưa thu lắc rắc rơi như cố tình níu bước chân người đi.
Người lái thuyền đứng ở bờ, giọng vang lanh lảnh: “Đi Túc Thành đây, còn ai lên không—”
Mạnh Hạc Thư là người cuối cùng biết ta sắp đi.
Hắn dắt theo Bách Nhi vội vàng chạy đến bến đò.
Nhưng chiếc thuyền kia dường như cố ý trêu hắn, lúc mọi người trong thư viện đang tiễn ta, nó nhất định không rời bến, mãi tới khi hắn vừa chạy đến, nó lại nhẹ nhàng tách khỏi bờ… Một dải nước ngăn cách, nhưng như khe trời không thể vượt.
Hắn không kịp đuổi tới, chỉ đứng từ xa gọi với theo: “A Kiều——”
Ta cũng không biết nên giải thích gì với bọn họ, trong lòng đầy lưỡng lự.
Đúng lúc ấy, người lái thuyền dường như nhìn thấu sự do dự trong ta, liền nhấc chiếc nón cỏ che mưa lên — là một gương mặt quen thuộc: “Kiều nương tử, đã bước lên thuyền rồi thì đừng ngoái đầu nhìn đường cũ nữa, chỉ nên hỏi đường phía trước thôi.”
Ta hiểu hàm ý trong lời ấy, bật cười nhẹ nhõm, rồi hỏi hắn: “Ta và đứa nhỏ này, hai lượng bạc có đủ đến Túc Thành không?”
“Nương tử nói đùa rồi, đến Túc Thành vẫn còn dư đấy!”