A Kiều - Chương 2
3
“Phải sống cho thật tốt đó! A Kiều tỷ!”
Xuống thuyền, Xuân Sinh chụm tay làm loa, lớn tiếng gọi với theo ta.
Ta đứng ở bến đò, quay đầu vẫy tay chào hắn.
Ta muốn đếm lại xem còn bao nhiêu tiền đủ để ta tìm chỗ nương thân.
Mới phát hiện hai miếng bạc vụn ta đưa cho Xuân Sinh chẳng biết từ khi nào đã được hắn lén đặt lại dưới giỏ tre.
Thuyền đã rời bến, ta không đuổi theo kịp.
Thôi, đành để sau này trả lại cho hắn vậy.
Ở Thanh Châu, ta chạy khắp mấy tửu lâu trong ba ngày liền, nơi thì không tuyển thêm người, nơi thì cứ ép công giảm lương.
Cuối cùng có một chỗ gật đầu nhận.
Chưởng quầy nói phải thử việc trước, để ta nấu thử ba ngày.
Không biết là chỗ nào ăn khỏe đến vậy, cơm hấp lên đủ cho nhà họ Mạnh ăn cả nửa năm. Ta không dám sơ suất, bận đến mức chân không chạm đất.
Tên chưởng quầy râu con kiến ấy, lần nào đi ngang cũng mỉm cười gật đầu.
Ta cứ ngỡ là mình đã qua được rồi.
Ai ngờ đến ngày thứ ba, hắn trở mặt không nhận người, xách ta cùng hành lý ném ra khỏi cửa: “Cô nương nấu ăn dở quá, khách ăn xong đau bụng, bọn ta còn phải bồi thường cả đống bạc đó!”
Ta có ngốc mấy cũng hiểu là mình bị lừa.
Ta không khóc, chỉ lau lau mắt rồi nhặt hành lý lên, phủi lớp bụi bên trên.
Đến ngày thứ năm, tiền trong người gần cạn, ta đứng trước hiệu cầm đồ, định mang cây trâm đi cầm
Bỗng một thiếu niên dáng thư sinh gọi ta lại: “Nương tử, xin dừng bước.”
Ta không quen hắn.
“Mấy ngày trước, người nấu cơm cho thư viện bọn ta có phải là nương tử không?”
“Không, mấy ngày trước ta nấu cho Khách Vân Lâu, chưa từng nấu cho thư viện nào cả.”
“Vậy thì đúng rồi, thư viện bọn ta đặt cơm của Khách Vân Lâu.”
Ta chợt nhớ lại chưởng quầy nói khách ăn xong bị đau bụng, bèn lo lắng hỏi: “Các người ăn trúng gì à?”
“Không ai đau bụng cả.” Thiếu niên kia cười, “Mọi người đều khen ngon. Sau đó bọn ta lại đặt thêm hai ngày nữa, nhưng Khách Vân Lâu chẳng còn nấu ngon như trước. Hỏi thăm thì mới biết chưởng quầy bên đó không có tâm.”
Vậy nên?
“Thư viện bọn ta đang thiếu một quản sự nội viện. Việc hơi cực chút, ngoài nấu cơm còn phải giặt giũ. Nhưng được bao ăn ở, không biết nương tử có bằng lòng không?”
Đó là Thư Viện Quan Hạc, nổi danh bậc nhất ở Thanh Châu, tựa lưng vào núi, trước mặt là hồ nước.
Ta không đọc được dòng chữ rồng bay phượng múa trên biển hiệu, cũng chẳng đoán ra ý sâu xa.
Chỉ thấy mảnh đất hoang sau dãy phòng học nếu khai khẩn ra trồng hai vườn rau cũng ổn, thả thêm vài con gà thì càng hay.
Các tiên sinh trong thư viện thích tre, nên quanh trường có nhiều rừng trúc.
Ta nghĩ thế cũng tốt, măng non nấu canh với thịt muối thì tuyệt, còn tre già chẻ ra làm giàn trồng đậu.
Ta thích trồng đậu, trồng bí, nhưng Mạnh Hạc Thư lại không thích. Hắn bảo trong sân nên trồng mai, mùa đông ngắm mai mới gọi là tao nhã.
Ta vui vẻ vì hắn mà chuyển cả một vườn hồng mai.
Về sau ta mới biết, cô nương Ngọc Gia… cũng thích hoa mai.
Thấy ta im lặng, thiếu niên kia dè dặt hỏi: “Nương tử có gì lo ngại sao? Là do tiền công tháng này…”
“Ở đây… ta có thể trồng rau không?”
“Dĩ nhiên là được!”
Ta gật đầu.
“Vậy thì được.”
4
Gần thư viện có mấy hộ dân cư.
Thiếu niên tìm ta hôm trước tên là Hứa Thường.
Hứa Thường dặn dò: “Người trong thư viện đều thân thiện, mấy nhà dân gần đây cũng dễ sống, chỉ có một kẻ… đừng dính dáng gì tới ‘chó ghẻ’.”
Chó ghẻ?
Hứa Thường nghiến răng nói: “Chính là A Hổ, thứ con hoang có mẹ sinh mà chẳng ai dạy dỗ.”
Ta từng nghe người khác kể qua.
A Hổ là một đứa trẻ mười tuổi, cha tái giá, mẹ đi lấy chồng, bỏ lại một mình nó, không ai đoái hoài.
Trẻ con chẳng ai muốn chơi với nó, đều nói nó hay nói dối, tay chân không sạch sẽ, hay trộm gà bắt chó.
Hơn nữa nó lại khỏe, cứ thích đánh nhau.
Ai chọc giận nó, nó liền nửa đêm xô đổ giàn mướp nhà người ta, mở chuồng gà mời chồn hoang tới “thăm”.
Trẻ con ghét nó đã đành, nhưng Hứa Thường hai mươi tuổi lại kết oán với đứa nhỏ mười tuổi thì thật kỳ lạ.
Ngờ đâu hai năm trước, A Hổ đặt bẫy bắt thỏ hoang, hại Hứa Thường té gãy chân, lỡ mất kỳ thi.
Mà đề thi năm đó, lại chính là môn Hứa Thường giỏi nhất – sử luận.
Từ đó, Hứa Thường hận nó thấu xương.
Hứa Thường muốn đánh nó, A Hổ liền ngả lăn ra đất, bộ dạng lêu lêu mất dạy: “Đánh người rồi! Người lớn đánh con nít! Thầy đồ đánh người ngay đây này!”
Hứa Thường nuốt không trôi cơn giận, bèn mua kẹo chia cho đám trẻ quanh đây, xúi tụi nó đánh A Hổ một trận.
A Hổ bị đánh, cũng chẳng khóc chẳng nháo, chỉ lăn lộn dưới bùn đất như chó ghẻ thật sự: “Hê hê, không đau, chẳng đau tí nào.”
Mặt dày mày dạn, chẳng ai trong thư viện trị nổi nó.
Hứa Thường đành bó tay, nhận mình xui xẻo.
Không ngờ ta chẳng đụng tới nó, thì nó lại đụng tới ta.
Nó trộm con gà lông mượt trong chuồng của ta, mang ra sau núi nướng ăn.
Đùi gà quá nóng, rơi xuống đất, nó chẳng chê bẩn, phủi phủi lớp đất bên ngoài rồi nhét vào miệng.
Lúc nuốt thì động phải vết thương trong miệng, đau đến nỗi hút một hơi, nhưng vẫn không cản nổi tốc độ nhai ngấu nghiến.
Nó ăn quá mải mê nên không nhận ra ta đã đứng sau từ lúc nào.
Ta vỗ nhẹ vai nó: “Gà lông mượt nướng kiểu này không ngon đâu.”
A Hổ giật mình run bắn, ho sặc sụa.
Ta vỗ lưng nó: “Loại gà này nên hầm nấm nấu canh, hoặc xào ăn với mì thì hợp hơn.”
Hai bát canh gà, một của ta một cho nó.
Chỉ là bát của nó có tới hai cái đùi.
Cũng như khi trước, ta nấu canh gà cho Bách Nhi và Mạnh Hạc Thư, cha con họ mỗi người một chiếc đùi.
A Hổ bán tín bán nghi nhìn ta, nhưng không cưỡng lại nổi hương canh quá thơm, đùi gà quá béo.
“Bà muốn gì?”
“Muốn nói với cháu là, gà này nên nấu canh.”
“Canh có độc hả? Bà tưởng tôi không dám ăn sao?”
A Hổ bưng bát, bộ dạng như liều mạng.
Ta nhìn thấy rõ ràng ánh mắt nó trợn to ngay khi húp miếng đầu tiên. Nó ăn như bão lốc, ta nghi ngờ là đến cả cái lưỡi nó cũng nuốt mất.
Ta không nhịn được cảm thán: quả không sai khi nói, “con trai nửa lớn, ăn đến rạc cha mẹ.”
Sau khi húp xong bát canh thứ ba, ánh mắt A Hổ sáng rõ như được lau sạch.
“Sau này nếu đói, đừng trộm nữa, đến đây ăn cơm là được.”
Nó dùng tay áo dơ đến không nhìn ra màu gốc lau miệng.
Đang định nói gì đó thì ngẩng đầu, bắt gặp Hứa Thường bước vào, lập tức không nói nữa, đặt bát xuống liền bỏ chạy.
Hứa Thường khinh khỉnh nhổ một tiếng theo bóng nó: “Nương tử đừng có mềm lòng, cái loại sói mắt trắng, nuôi chẳng nên thân đâu.”
Thật ra không phải ta mềm lòng.
Chỉ là ta nghĩ, một đứa trẻ biết quý đồ ăn, chắc cũng chẳng đến mức xấu xa.
Thế nhưng hôm sau, cái giàn đậu ta dựng sau trường bị đổ.
Hứa Thường dẫn người đến làm chứng, còn A Hổ thì luống cuống đứng cạnh cái giàn đổ nát.
Chưa để ta mở miệng, A Hổ đã đẩy Hứa Thường ngã chổng vó, rồi chạy mất dạng.
“Thằng oắt con chết tiệt! Kiều nương tử đối tốt với nó vậy mà nó lại phá hoại sân trường.”
Ta nghĩ một lát rồi nói: “Tối qua gió lớn cả đêm, lại thêm mưa to, có khi là do ta chống giàn không chắc.”
Tối đó, ngoài sân có một cái bóng lén lút ngồi xổm.
Ta hâm lại canh gà hôm qua, mùi thơm vừa lan ra, cái bóng ấy đã nhấp nhổm không yên.
“…Giàn không phải ta đẩy đâu, tối qua nghe gió to, ta đã nghĩ hay là giàn của bà bị gió thổi ngã, nên mới chạy qua xem.”
“Nói ra được thì tốt rồi, sao còn bỏ chạy?”
A Hổ cúi đầu, giọng mang theo vẻ tủi thân như sắp khóc: “Không muốn chạy… nhưng ta sợ, sợ bà không hỏi mà chửi trước.”
“Vậy từ nay có chuyện gì, ta hỏi trước được không?”
A Hổ không trả lời.
Nó bưng cả bát canh lên uống, bát lớn che khuất cả mặt, mãi không chịu hạ xuống.
Ta cười trêu: “Gà lông mượt mà trộn với nước mắt thì không ngon đâu, sẽ mặn đấy.”
5
Chớp mắt đã sang hè.
Ve ngoài vườn sau kêu râm ran, bóng cây rợp mát khắp sân.
Các tiên sinh trong thư viện đi học xa, hôm nay nhàn rỗi, ta đem quần áo và chăn đệm của học trò ra giặt, phơi nắng.
“Không đọc sách đâu, đầu óc con ngu lắm.” A Hổ vừa giúp ta chôn chặt lại giá phơi, vừa không ngừng lắc đầu.
“Với lại người trong thư viện ai cũng ghét con, con cũng ghét họ.”
A Hổ mười tuổi, lớn hơn Bách Nhi ba tuổi.
Bách Nhi đã thuộc được thiên tự văn, còn biết làm mấy phép tính nhỏ. Còn A Hổ, cái gì cũng không biết, ngay cả chữ lớn còn nhận chẳng được mấy cái.
Ta nghĩ, để dành nửa năm tiền, kiếm cho A Hổ một chỗ học hành.
“Con không biết chữ, cũng không có tay nghề gì, sau này lỡ bị người ta bắt nạt thì sao?”
“Nếu ai bắt nạt con, con sẽ nhờ mẹ chống lưng!”
“Lúc đó mẹ đã già rồi, con tính sao?”
Câu ấy khiến A Hổ buồn hẳn, nó níu lấy tay áo ta, siết thật chặt: “Mẹ không được già! Mãi mãi không được già!”
“Được được được, mẹ không già, mẹ sẽ luôn ở bên con.”
Ta ngồi xuống, lau nước mắt cho nó.
Bỗng sau lưng vang lên một giọng nói, mang theo cả không thể tin và mừng rỡ khôn cùng: “…A Kiều?”
Gió thổi tung quần áo đầy sân, phất phơ như cánh buồm trên mặt nước, mơ hồ lay động.
Ta đứng dậy, thấy Mạnh Hạc Thư đang dắt tay Bách Nhi, đứng sau lớp “buồm”, cách ta như ngăn bởi một con sông lớn: “…Là A Kiều sao?”
Có lẽ do chăm sóc người mang thai vất vả, hắn đã gầy đi rất nhiều.
Hắn không dám bước tới, chỉ đứng yên nhìn ta, mắt dần hoe đỏ.
Là Bách Nhi buông tay hắn ra, gọi mẹ, muốn như xưa nhào vào lòng ta làm nũng.
Lại bị A Hổ hung hăng đẩy ngã nhào.
A Hổ ôm chặt tay ta, ánh mắt đề phòng như một chú hổ con giữ đồ ăn: “Ngươi là ai? Dựa vào đâu mà gọi mẹ ta là mẹ!”
Mạnh Hạc Thư giật mình, nhưng nhìn thấy A Hổ còn cao hơn cả Bách Nhi, sự nghi hoặc trong mắt cũng vơi đi một nửa.
Ta tất nhiên sẽ không ngây thơ cho rằng Mạnh Hạc Thư bôn ba đường xa là để đến tìm ta.
Ta bỗng hiểu ra điều gì đó, kiễng chân nhìn ra sau lưng hắn: “Ngươi đến đây…là vì cô nương Ngọc Gia cũng đến phải không?”
Thấy ta dè dặt hỏi như vậy, Mạnh Hạc Thư ánh mắt đầy chua xót.