A Kiều - Chương 1
1
“Một lạng bạc à? Đến Thanh Châu vẫn còn dư đấy.” Người lái thuyền cười hỏi, “Nương tử muốn đi Thanh Châu sao?”
Ta khẽ gật đầu.
Hắn nhìn ta, ánh mắt có chút nghi hoặc.
Ta ăn mặc giản dị như phụ nhân trong nhà, không mang theo hành lý nào, giỏ tre xách bên tay cũng chỉ có đúng ba con cá đao vừa mua từ chính chỗ hắn.
“Nương tử có cần quay về thu xếp hành lý không? Hay đợi người nhà đi cùng?”
Ta ngẫm nghĩ, rồi mỉm cười lắc đầu: “Không cần, chỉ mình ta thôi.”
Dù thấy lạ lùng, nhưng hắn đã nhận bạc thì cũng không hỏi thêm.
Thuyền rời bến, mặt sông phủ một lớp sương mờ, trông chẳng khác gì bức tranh treo trong thư phòng của Mạnh Hạc Thư.
Nghe người lái thuyền nói, đến Thanh Châu phải mất hai ngày đường thủy.
Ta lắc lắc túi tiền chỉ còn nửa xâu, lại sờ cây trâm ngọc đậu bên búi tóc, mới thấy hình như mình hơi hấp tấp.
Sáng nay, Mạnh Hạc Thư còn nói với ta muốn ăn món cá đao hấp hai lần da ta làm.
Trước lúc đi, con trai ta – Mạnh Bách – còn nhắc đi nhắc lại: “Tiên nữ tỷ tối qua nói muốn ăn cá, mẹ nhớ mua bốn con về nhé, cha một con, tiên nữ tỷ một con, con một con, mẹ một con.”
Nói thật, tất cả là tại ông lái thuyền, thế nào mà lại chỉ còn đúng ba con.
Bốn người chẳng biết chia làm sao, khiến ta khó xử đến mức muốn trốn đi cho rồi.
Đang nghĩ ngợi, bụng lại đói cồn cào.
Ta không mang theo đồ ăn, đành tốn thêm mười lăm đồng mua một miếng đậu phụ và mượn bếp nhỏ của đầu bếp trên thuyền.
Thật ra ta cũng muốn tiết kiệm. Nhưng không có đậu phụ thì mấy con cá này lại càng đáng thương.
Làm sạch cá, nạo vảy, chiên vàng hai mặt rồi thêm nước sôi. Một nồi canh cá trắng sánh, thơm lừng sôi lục bục trên bếp lò.
Hương thơm lan ra khiến khách trên thuyền hít mũi liên hồi, không ngừng ngoái nhìn: “Ủa? Mùi canh gì thơm thế?”
Đậu phụ càng đun càng mềm, cá càng đun càng ngọt, canh mỗi lúc một đậm đà.
Khi ta gắp đến miếng đậu thứ ba, người lái thuyền không nhịn được nuốt nước miếng: “Nương tử thật khéo tay, sao canh lại trắng như sữa vậy?”
Ta múc cho hắn một bát, hắn vui mừng khôn xiết.
Ta thấy hắn dùng bánh bao lau sạch đáy bát đến mức gần như khỏi rửa, trong lòng cũng có chút tự đắc: “Tiếc là không có rau thơm, nếu có thì còn ngon hơn nữa.”
Sau khi ăn canh, người lái thuyền bắt đầu cởi mở với ta hơn.
Ta biết hắn tên là Xuân Sinh, hắn thì biết ta họ Kiều.
“Nương tử cãi nhau với phu quân, giận dỗi bỏ về nhà mẹ đẻ sao?”
Không có đâu, tính tình Mạnh Hạc Thư vốn ấm áp, dịu dàng.
Chúng ta thành thân đã bảy năm, chưa từng cãi nhau, trong mắt người ngoài còn được xem là vợ chồng ân ái.
“…Không phải giận dỗi, là hoà ly.”
Xuân Sinh không kìm được tò mò: “Hoà ly vì tiền hay vì người?”
Câu hỏi khiến ta nghẹn lời.
Vì sao ư?
Không phải vì tiền, cũng chẳng vì người.
Vì chiếc ô mà nửa tháng trước Mạnh Hạc Thư che cho nàng ấy? Vì cây trâm bạc tối qua Bách Nhi tặng nàng ấy? Hay là vì ba con cá khiến ta khó xử hôm nay?
Hình như… cũng chẳng phải.
À, ta nhớ rồi.
“Vì một bát mì.” Ta ôm bát canh cá, chắc nịch gật đầu, “Bát mì đó mặn quá, khiến ta cảm thấy cuộc sống này… chẳng còn gì thú vị nữa.”
“Chỉ vì một bát mì thôi sao?”
Phải, chỉ vì một bát mì trường thọ.
2
Nửa tháng trước, trước cửa nhà ta xuất hiện một cô nương.
Nàng ấy đứng trong cơn mưa lất phất, khóc mà gõ cửa, như một đóa lê trắng bị mưa làm ướt: “Mạnh ca ca, Ngọc Gia thật sự không biết phải làm sao nữa…”
Lúc ấy Mạnh Hạc Thư không có nhà, đang ở y quán khám bệnh.
Hắn là người thầy thuốc rất có trách nhiệm, đã nhận người bệnh thì không dễ bỏ dở giữa chừng, có khi ngay cả cơm ta mang tới cũng quên ăn.
Huống chi là lần này ta bị bệnh, ho suốt ba ngày chưa đỡ.
Tay còn đang châm cứu, có bệnh nhân vừa nháy mắt vừa cười giỡn hắn: “Có Mạnh thần y mà nương tử vẫn bị bệnh à!”
Mạnh Hạc Thư chỉ khẽ cười gượng: “Nhà ta ham chơi, hôm qua theo Bách Nhi đi thả diều nên bị lạnh.”
Ngoài cửa, Bách Nhi hớt hải chạy vào, ôm chầm lấy chân Mạnh Hạc Thư: “Cha ơi! Có một tiên nữ tỷ tỷ rất xinh đứng ngoài cửa tìm cha! Tỷ ấy nói tên là Ngọc Gia…”
Nghe đến cái tên ấy, Mạnh Hạc Thư sững người, suýt nữa cắm kim vào tay mình.
Bách Nhi kéo hắn hấp tấp chạy ra khỏi y quán.
Chỉ còn lại ta một mình, tay đầy kim bạc, tiến cũng dở mà lui cũng chẳng xong.
Chưa đến một tuần trà sau, Mạnh Hạc Thư đã vội ôm chiếc ô quay lại.
Không phải vì nhớ ra tay ta vẫn còn đang châm cứu, mà là vì chìa khóa cổng vẫn còn trong người ta: “Xin lỗi A Kiều, lúc ấy ta luống cuống quá.”
Hắn thì cuống cuồng, nhưng vẫn không quên cầm theo ô để che mưa cho nàng.
Đối tốt với Ngọc Gia, dường như đã trở thành thói quen của phu quân ta.
“Đã làm phiền Mạnh ca ca rồi.” Ngọc Gia cúi đầu lau nước mắt nơi khóe mi, “Muội cãi nhau với Lục lang, nếu không có huynh, thật không biết phải đi đâu.”
Vài ngày trước nàng cãi nhau với phu quân, tức giận bỏ nhà đi.
“Nàng vậy mà còn dám giấu chuyện có thai! May mà đến chỗ ta.”
Lần đầu tiên Mạnh Hạc Thư luôn nhẹ nhàng nói chuyện lại cao giọng như vậy, “Nàng đang mang thai đấy, ta phải đến tìm Lục Diệm tính sổ!”
Bách Nhi hớn hở quấn lấy Ngọc Che, miệng ríu rít gọi: “Tiên nữ tỷ tỷ, áo của tỷ đẹp quá, người cũng thơm nữa.”
Ngọc Gia vuốt đầu Bách Nhi, rồi ngạc nhiên nhìn Mạnh Hạc Thư: “Trời ơi, giống y như nhau, lại có thêm một Mạnh ca ca nữa rồi.”
Được khen, Bách Nhi càng phấn khởi: “Vậy chờ ta lớn lên, ta sẽ cưới tiên nữ tỷ tỷ làm nương tử!”
Ngọc Gia bị nó chọc cười, lén nhìn Mạnh Hạc Thư một cái: “Quả nhiên là con huynh, ngay cả mắt nhìn người cũng giống.”
Ngọc Gia cười, khiến vết thương cũ trong lòng Mạnh Hạc Thư lại nhói lên, hắn giả vờ như không để tâm mà đi ra ngoài, dặn dò ta: “Ngọc Gia đang mang thai, ăn uống phải thanh đạm, nếu có thịt thì chọn cá tôm, nàng nấu ăn đừng cho rượu nấu.”
Thật ra ta không vui, nhưng cũng không rõ rốt cuộc là vì điều gì.
“…Vậy nàng ấy định ở lại bao lâu?”
“Người làm thầy thuốc, thấy người mang thai sao có thể đuổi đi?”
Ta bĩu môi, trong lòng nghĩ: ta có phải đại phu đâu.
Thấy ta không vui, Mạnh Hạc Thư thở dài, xoa đầu ta, dịu giọng: “Nàng đi nấu cơm trước đi, mai ta đến phủ họ Lục nói chuyện rõ ràng với Lục Diệm, được không?”
Sợ ta còn chưa nguôi giận, hắn nói thêm: “Nửa tháng nữa là sinh nhật nàng, ba người nhà chúng ta sẽ cùng ăn mừng, Bách Nhi còn chuẩn bị bất ngờ cho nàng đấy.”
Qua lớp cửa sổ, ta nhìn thấy cái đầu tròn tròn của Bách Nhi, không nhịn được bật cười: “Đó là tiền mừng tuổi của con, nói là để dành sau này cưới vợ, chàng cũng gạt được à?”
“Gì mà gọi là gạt, hiếu kính mẹ là đạo lý hiển nhiên. Mà nàng đừng hỏi, ta đã hứa với nó là giữ bí mật rồi.”
Ta mím môi cười, đè nén vị ngọt nơi tim: “Ta chẳng thèm hỏi đâu.”
Vì ta đã thấy rồi.
Chiếc trâm bạc Bách Nhi lén lút giấu dưới gối.
3
Lục Diệm không có ở phủ, người nhà họ Lục nói hắn vâng lệnh vào kinh.
Đường đến kinh thành xa xôi, không rõ Hoàng thượng giao cho việc gì, ít nhất cũng phải nửa tháng mới về.
“A Kiều, đợi thêm nửa tháng nữa, được không?”
Ta không rõ vì sao mình lại không ưa cô nương Ngọc Gia kia.
Rõ ràng lúc nàng gọi ta là A Kiều tỷ tỷ, nụ cười ngọt đến thế.
Rõ ràng ta vốn rất thích người khác khen tài nấu nướng của mình, vậy mà lời khen của nàng lại khiến ta chẳng thấy vui chút nào: “A Kiều tỷ tỷ nấu ăn ngon thật, bảo sao giữ chặt được tim Mạnh ca ca.”
Thế nhưng ngoài ta ra, cả Mạnh Hạc Thư và Bách Nhi đều rất thích nàng.
Bách Nhi – thằng bé vốn luôn nghe lời ta nhất – lần đầu tiên đẩy bát cơm trước mặt sang một bên.
Cơm đổ tung, canh tràn ra theo mép bàn tí tách rơi xuống.
“Con ăn không nổi, con muốn ra phố mua bánh ngọt với tỷ tỷ!”
Ta thấy nó lãng phí cơm, liền mắng mấy câu. Bách Nhi đưa tay lau nước mắt, vẫn chưa chịu nhận sai.
Ngọc Gia bước đến hoà giải: “A Kiều tỷ à, trẻ con đến tuổi hay thèm ăn vặt, đâu thể bắt chúng cứ ăn cơm đúng bữa hoài được.”
Bách Nhi lau nước mắt, liếc ta đầy oán giận: “Tại sao mẹ con lại là người này? Tại sao mẹ con không phải tiên nữ tỷ tỷ?”
Một câu của Bách Nhi khiến cả Mạnh Hạc Thư ngoài cửa cũng khựng lại, ánh mắt lặng lẽ chùng xuống.
Tim ta như bị ai đó khoét ra một mảng.
Khi mang thai Bách Nhi, ta chịu khổ không ít – ngôi thai lệch, đau suốt một ngày một đêm mới sinh được.
Mỗi lần Bách Nhi nghịch ngợm, Mạnh Hạc Thư lại kể cho nó nghe mẹ sinh con vất vả thế nào.
Bách Nhi liền hoảng hốt dùng tay bịt miệng cha, rồi chỉ vào ngực mình: “Cha đừng nói nữa, mẹ đau, chỗ này của con cũng đau…”
Hôm sau là sinh nhật ta.
Ta tự tay nấu một bàn món ăn mà Mạnh Hạc Thư thích, còn đi mua bánh ngọt mà Bách Nhi mê.
Đợi đến tối mịt, thức ăn trong bếp đã hâm đến lần thứ ba, Mạnh Hạc Thư mới dẫn Bách Nhi về.
Ta nhìn thấy cây trâm bạc mà Bách Nhi định tặng ta, lại cài trên mái tóc Ngọc Gia.
Mạnh Hạc Thư thấy ánh mắt ta dừng trên chiếc trâm, mới sực nhớ ra hôm nay là sinh nhật ta.
Hắn vội vã giải thích, nói là vì tâm trạng Ngọc Gia không tốt, nên họ đưa nàng ra ngoài dạo chơi cả ngày.
Cây trâm đó là Bách Nhi đeo cho nàng chơi chứ không phải định tặng.
Ngọc Gia xoa đầu Bách Nhi, nhẹ giọng dỗ dành: “Bách Nhi ngoan, đưa trâm tặng cho mẹ nhé, được không?”
Bách Nhi trốn sau lưng nàng, môi run lên rồi òa khóc to: “Tại sao phải tặng bà ấy? Bà ấy đeo đâu có đẹp bằng tiên nữ tỷ tỷ!”
Mạnh Hạc Thư sa sầm mặt, quát mắng Bách Nhi, Ngọc Gia lại như một người mẹ hiền, dang tay che chở cho nó.
Không biết vì sao… Ta bỗng cảm thấy bản thân như một người xấu xí và dư thừa trong ngôi nhà này.
Đồ ăn trong bếp lại nguội, ta chẳng còn lòng dạ cũng chẳng buồn hâm lại nữa.
Ta tự nấu cho mình một bát mì.
Có lẽ do vừa khóc vừa nấu, ta cho muối quá tay.
Một bát mì mặn chát đến đắng ngắt, khiến ta thấy cuộc sống này… thật sự quá khó khăn.